image advertisementanh tin baiimage advertisementimage advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
anh tin baianh tin baiimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Các làng nghề hối hả vào vụ Tết
Lượt xem: 40

Các làng nghề hối hả vào vụ Tết

17:39, 03/12/2023
 
 

Những ngày này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Gia đình ông Nguyễn Viết Thịnh, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đóng gói sản phẩm miến gạo.
Gia đình ông Nguyễn Viết Thịnh, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đóng gói sản phẩm miến gạo.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng cao của người dân, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh truyền thống đã đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn. Đến thăm cơ sở sản xuất miến của gia đình ông Nguyễn Viết Thịnh, xã Xuân Kiên (Xuân Trường), chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc sôi động và khẩn trương, rất nhiều bao miến được đóng gói xếp thành hàng cao để chờ các thương lái đến lấy hàng. Vừa tất bật đóng gói sản phẩm, ông Thịnh cho biết: Do nhu cầu của người dân trong dịp Tết tăng cao so với ngày thường nên ngoài việc huy động tất cả các thành viên trong gia đình, còn phải thuê thêm lao động để tập trung sản xuất, đảm bảo chất lượng và số lượng mà khách hàng đã đặt. Để làm ra sợi miến ngon, thu hút đông khách hàng, gia đình ông Thịnh cũng như những hộ gia đình khác phải chọn được nguồn nguyên liệu chất lượng, trong đó nguyên liệu duy nhất làm miến là loại gạo Q5. Quy trình làm miến qua nhiều công đoạn, từ ngâm gạo, nghiền bột, ép để bột khô ráo. Khi đã hoàn thành khâu sơ chế nguyên liệu, người thợ tiến hành bước tạo sợi. Công đoạn này dù do máy vận hành nhưng đòi hỏi người sản xuất phải liên tục vừa cho bột vào máy vừa nhanh tay cắt miến để giữ được độ dài và đều sợi cho miến. Sau khi thành sợi, miến được ủ khoảng 10 tiếng, sau đó rũ trong nước lạnh và đem phơi khô. Là người có nhiều năm gắn bó với nghề, ông Thịnh cho biết thêm, nghề này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng phải thật sự chịu khó thì sẽ cho thu nhập ổn định. Yếu tố quyết định đến độ ngon của sản phẩm là nguyên liệu sạch và người thợ phải thật sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn sản xuất. Nghề làm miến còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Miến sẽ khô nhanh và ngon nhất khi được phơi dưới trời nắng hanh. Còn những ngày mưa hoặc ẩm ướt thì hầu hết các hộ sản xuất phải nghỉ làm. Miến gạo nhà ông Thịnh luôn được đánh giá cao bởi sợi miến mềm, dai, có vị ngọt thơm đặc trưng của gạo, giúp món ăn thêm phần hấp dẫn. Do đảm bảo đầy đủ các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm miến gạo của gia đình ông Thịnh đã khẳng định được chất lượng và được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Mỗi năm, gia đình ông Thịnh sản xuất hàng tấn miến gạo để cung ứng ở khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Người dân xóm 2, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) sản xuất bánh đa nem cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Người dân xóm 2, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) sản xuất bánh đa nem cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bánh đa nem cũng là sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong ngày Tết. Các hộ làm bánh đa nem thời gian nay cũng đang tất bật “đỏ lửa” để kịp thời sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Phan Văn Phương, xóm 2, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) cho biết: “Nếu ngày thường, gia đình tôi làm khoảng 1.000 cái/ngày thì vào dịp này tăng lên 1.500 cái. Mặc dù bánh trong dịp Tết được làm theo nhu cầu của khách, kỹ càng, chất lượng hơn nhưng giá cả vẫn không thay đổi nhiều so với ngày thường”. Năm nay mưa nắng thất thường, để đủ bánh cung cấp cho thị trường, từ đầu tháng 10 âm lịch, gia đình ông Phương đã bắt đầu làm bánh chuẩn bị cho mùa Tết. Mỗi ngày, lò bánh hoạt động bắt đầu từ 4 giờ sáng và kéo dài đến 4 giờ chiều. Các công đoạn từ xay bột, tráng bánh, phơi bánh đến gỡ bánh đều được thực hiện hết sức khẩn trương. Từng chồng bánh tráng thành phẩm được chất cao chờ đưa ra thị trường. 

Sản phẩm hương vòng của gia đình chị Trần Thị Phượng, xã Phương Định (Trực Ninh).
Sản phẩm hương vòng của gia đình chị Trần Thị Phượng, xã Phương Định (Trực Ninh).

Mặc dù làm nghề hương trầm quanh năm nhưng mỗi khi vào vụ Tết, gia đình chị Trần Thị Phượng, thôn An Trong, xã Phương Định (Trực Ninh) càng bận rộn hơn. Từ tháng 10 âm lịch đến tháng Chạp, nhu cầu mua hương phục vụ Tết của khách hàng tăng cao, cơ sở sản xuất hương trầm của chị Phượng lúc nào cũng hối hả, nhộn nhịp người làm, người đến đặt hàng, tất cả các khâu từ công đoạn trộn bột, se hương, phơi, đóng gói chị Phượng đều phải thuê thêm người làm, làm không chỉ ban ngày mà cả buổi tối để kịp tiến độ giao hàng. Hiện mỗi ngày xưởng sản xuất của chị Phượng cho ra hơn 3 vạn nén hương, gấp 1,3 lần ngày thường. Để sản xuất được thông suốt, từ nhiều tháng trước, chị Phượng đã chủ động tính toán, thu mua, nhập đầy đủ nguyên liệu, bao bì. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng đầu tư các loại máy móc hiện đại để tăng sản lượng, giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ làm hương vẫn phải có sự tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên hương thơm của cây hương là chạy nhựa. Thông thường, nhựa được dùng làm hương là loại nhựa của cây trám. Nhựa trám sẽ được trộn cùng bột than rồi đưa vào cối giã nát. Hiện nay, công đoạn chạy nhựa được thực hiện bằng máy xay nên người dân đỡ vất vả hơn nhiều. Tùy theo công thức pha chế của mỗi cơ sở mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau, bởi mỗi người thợ sẽ có những cách pha trộn nguyên liệu khác nhau. Thời tiết thuận lợi sẽ giúp cho người làm hương đỡ vất vả hơn còn nếu trời mưa rét, chị Phượng phải đầu tư mua lò sấy để hương khô nhanh và không bị mốc. Hương được dùng vào việc tâm linh nên công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, đóng gói. Chỉ tính những tháng cuối năm, cơ sở sản xuất của gia đình chị đã xuất bán khoảng 1 tấn hương các loại. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, sản phẩm hương bài của gia đình chị Phượng còn được cơ sở kinh doanh các tỉnh tìm đến đặt hàng. 

Dịp cuối năm, ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, cơ khí phục vụ dịp Tết… cũng tất bật vào vụ sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, các làng nghề truyền thống còn mang đến nét đẹp văn hoá đặc trưng với những sản phẩm đặc sắc của mỗi vùng miền mỗi dịp Tết đến, Xuân về./. 

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 Cơ quan chủ quản: Xã Xuân Tân - Huyện Xuân Trường
Địa chỉ: Xã Xuân Tân - Huyện Xuân Trường - Tỉnh Nam Định
Điện thoại: (0228)3888221
Email: xaxuantan.xtg@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang